Trước khi nghệ thuật phương Tây vào Việt Nam, người Việt có nhiều chất liệu và kỹ thuật vẽ truyền thống, chủ yếu sử dụng mầu tự nhiên. Mầu tự nhiên chia làm hai loại, vẽ với gốc sơn và vẽ với gốc nước. Vẽ với gốc sơn, tức là các mầu tự nhiên được chưng cất để có thể hòa với các loại sơn ta làm dung môi để vẽ. Do sự chưng cất này còn hạn chế, nên mầu sơn ta và sơn mài, chủ yếu là các mầu nóng, như chu sa (son), trắng (ngà và trứng), vàng, bạc, và một số loại đá ngọc mài ra. Mầu xanh rất hiếm, vì đá ngọc rất đắt. Riêng son vẽ với sơn mài, hiên thợ Việt Nam đã chưng cất được nhiều loại: son trai, son thắm, son nhì, son tươi, son chì, son vàng, son nâu. Tuy nhiên các nghệ nhân giỏi chết dần, còn rất ít người biết làm và chất lượng cũng không tốt lắm. Một số loại đất đá tự nhiên cũng có thể vẽ với sơn ta (mầu Pigment), nhưng chưa được nghiên cứu và thử nghiệm) Hiện tất cả các mầu vẽ với sơn ta đều được Nhật nghiên cứu và sản xuất bán trên thị trường.

Vẽ với gốc nước thì mầu hết sức phong phú. Bảng mầu Đông Hồ, dùng các loại nguyên liệu tự nhiên như son – đá son, vàng – hoa hòe, xanh – chàm và gỉ đồng, đen – lá tre, rơm đốt tồn tính, nâu – củ nâu, trắng – điệp. Đến thế kỷ 18, thì tìm ra một số mầu phẩm cũng gốc tự nhiên, nhưng mầu phẩm dùng một thời gian thì bay mất mầu. Người Trung Hoa cũng dùng mầu tự nhiên gốc nước. Bảng mầu này hết sức phong phú và cũng được bán sang Việt Nam. Như chu sa (son), chu tiêu (cá vàng), đại hồng (đỏ cờ), thự hồng (đỏ thắm), thự thạch (nâu đất), đằng hoàng (vàng), nhân chỉ (huyết dụ), thạch thanh (xanh non), thạch lục (xanh lục), thái thanh lam (lam chàm), mực Tầu (đen), thiết thái bạch (trắng thiếc) và tân thái bạch (trắng ngà)...biến thể của các mầu này cũng rất nhiều, tùy theo nguồn gốc tự nhiên mà đắt hay rẻ. Hiện mầu tự nhiên này, cũng được bán rẻ dưới dạng chế tác công nghiệp (Trung Quốc gọi là Quốc họa nhan liệu).

Mầu tự nhiên gốc dầu (sơn) để vẽ trên gỗ và vóc, thành tranh sơn ta cổ, hoặc tranh sơn mài. Các mầu tự nhiên gốc nước vẽ trên lụa và giấy. Hình thành ba loại kỹ thuật vẽ truyền thống cơ bản: vẽ tranh sơn ta và sơn mài, vẽ tranh lụa, vẽ tranh giấy, làm đồ họa in khắc gỗ đen trắng và mầu.

Lớp học vẽ và nghệ thuật truyền thống sẽ phổ cập tất cả các kỹ thuật và chất liệu trên cho học viên, chủ yếu qua thực hành, sáng tác do học viên tự vẽ tranh cho mình, đồng thời có những buổi lý thuyết về văn hóa và nghệ thuật học truyền thống

Nội Dung Khóa Học

Các môn chất liệu: Sơn mài, lụa, vẽ mầu tự nhiên trên giấy (giấy dó), sơn khắc, in khắc gỗ.

  • Tập trung thực hành là chính, các vấn đề lý thuyết sẽ được lồng ghép trong quá trình vẽ. Sẽ có ngoại khóa về Văn hóa, nghệ thuật cổ Việt Nam và phương Đông.

           Sơn mài: Kỹ thuật vẽ sơn ta truyền thống (trước trường Mỹ thuật Đông Dương. Kỹ thuật vẽ sơn mài của các họa sỹ thời Đông Dương (đến nay). Các kỹ thuật mới bổ xung hiện đại. Vẽ sơn mài và sơn ta trên các đồ design. 

           Sơn khắc: Kỹ thuật vẽ trên tấm sơn khắc và khắc trên bề mặt, kỹ thuật làm mầu sơn mài trên tấm sơn khắc.

           Lụa:vẽ lụa bằng mầu tự nhiên và thuốc nước. Kỹ thuật vẽ lụa cổ phương Đông (không rửa). Kỹ thuật vẽ lụa hiện đại.

           Vẽ tranh giấy dó với mầu tự nhiên: Kỹ thuật pha chế mầu tự nhiên và vẽ trên giấy và trên lụa

           Tranh in khắc gỗ: Kỹ thuật khắc bản gỗ và in đen trắng bằng mực tự nhiên (lá tre, rơm), son tự nhiên, in bằng mực Tầu và in sơn công nghiệp. In đen trắng thuần túy. Kỹ thuật in khắc gỗ mầu.

  • Một số chủ đề nói chuyệnNghề làm tượng cổ và sơn thếp tượng cổ. Kỹ thuật vẽ sơn ta cổ trước trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tranh sơn mài Việt Nam Hiện đại (1930 – 2000). Hội họa phương Đông truyền thống. Tranh in khắc gỗ Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam...Các chủ đề sẽ chủ yếu gần gũi với thực hành.
  • Tổ chức ngoại khóa về Văn hóa, nghệ thuật cổ Việt Nam và phương Đông.
  • Sau khóa học, tổ chức triển lãm cá nhân hoặc theo nhóm.